Báo cáo thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh | Quý 2/2021
KINH TẾ VIỆT NAM
GDP: Quý 2 năm 2021 ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, GDP 6 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt mức khá (5,64%) dù đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến nền kinh tế. Trong mức tăng 5,64% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%, đóng góp 8,17% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%, đóng góp 59,05%; khu vực dịch vụ tăng 3,96%, đóng góp 32,78%. Một số kết quả đạt được của các ngành như sau:
Ngành chế biến, chế tạo đạt tốc độ tăng ở mức 11,42%, cao hơn nhiều so với mức tăng 5,06% của cùng kỳ năm 2020, đóng góp hơn 50% trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng khá, tăng gần 8,2%, cao hơn với mức tăng 3,5% cùng kỳ năm trước.
Ngành tài chính-ngân hàng tăng gần 9,3% so với cùng kỳ; ngành y tế với mọi nguồn lực được tập trung cho việc chống dịch, tăng khoảng 10,5%; ngoài ra một số ngành vẫn có mức tăng trưởng cao hơn so với năm 2020 như bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy tăng 5,63%; thông tin và truyền thông tăng hơn 5,2%; ngành giáo dục và đào tạo tăng gần 6,2%.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 317 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng trưởng rất cao so với những năm gần đây (cùng kỳ năm trước giảm 1,5%), trong đó xuất khẩu đạt 157,6 tỷ USD, tăng 28,4%; kim ngạch nhập khẩu đạt 159 tỷ USD, tăng 36,1%. Trong kim ngạch nhập khẩu tư liệu sản xuất chiếm đến 94%.
Bên cạnh đó, thu ngân sách nhà nước thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 775.000 tỷ đồng, bằng 57,7% dự toán, tăng 15,3% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, các khoản thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh đều đạt trên 52% dự toán và tăng trên 18% so với cùng kỳ.
CPI: Quý 2 năm 2021 tăng 0,45% so với quý trước và tăng 2,67% so với cùng kỳ năm 2020. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 1,47% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân chính cho việc tăng CPI là do giá nguyên liệu đầu vào, giá điện và nước sinh hoạt tăng.
FDI: Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,27 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Có 804 dự án được cấp phép mới với vốn đăng ký gần 9,55 tỷ USD, giảm 43,3% về số dự án và tăng 13,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Khách Quốc Tế Đến Việt Nam: Trong 6 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 88,2 nghìn lượt, giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống đại dịch COVID-19. Khách đến hầu hết là các chuyên gia, công nhân kỹ thuật nước ngoài và lái xe vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ.
THỊ TRƯỜNG VĂN PHÒNG
Quý 2/2021, thị trường văn phòng cho thuê tại TP. HCM đón nhận thêm một dự án Hạng B là “AP Tower” tại Quận Bình Thạnh, đóng góp thêm 10.841 m2 vào tổng nguồn cung thị trường. Tính đến Quý 2/2021, tổng nguồn cung đạt 1.433.327 m2 diện tích cho thuê đến từ 18 dự án Hạng A và 69 dự án Hạng B.
Tỷ lệ trống Hạng A tiếp tục giảm 2 đpt so với quý trước chủ yếu từ những tòa nhà mới hoạt động ở Quận 1 và Quận 7, với chất lượng cao và gần các cụm văn phòng hiện hữu. Đối với phân khúc Hạng B, tỷ lệ trống ổn định và thị trường chứng kiến nhiều khách thuê trả mặt bằng tại các dự án cũ và chuyển sang các dự án mới hơn tại Quận Tân Bình, Quận 1, Quận 2, Quận 7 và Quận Bình Thạnh.
Tính đến Quý 2/2021, tỷ lệ trống tại phân khúc Hạng A và Hạng B lần lượt đạt 12,2% (tăng 0,4 đpt so với cùng kỳ năm trước) và 9,1% (tăng 4,3 đpt so với cùng kỳ năm trước). Xét về giá thuê, xu hướng giảm giá thuê tại phân khúc Hạng A chậm lại và giảm 1,2% so với quý trước trong khi giá thuê tại phân khúc Hạng B giữ ổn định. Giá thuê của phân khúc hạng A và B lần lượt là 41,6 USD/m2/tháng (giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước) và 25,1 USD/m2/tháng (giảm 1,0% so với cùng kỳ năm trước). Tổng diện tích thực thuê trong quý đạt mức dương và tổng diện tích thực thuê trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt trên 33.300 m2.
Trong 06 tháng cuối năm 2021, thị trường dự định chào đón thêm 03 dự án Hạng B với tổng diện tích thực thuê đạt 34.500 m2. Từ năm 2022 trở đi, thị trường sẽ có thêm nguồn cung Hạng A, tiêu biểu là dự án Etown 6, One Central cũng như dự án văn phòng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
THỊ TRƯỜNG CĂN HỘ
Quý 2/2021, thị trường TP. HCM đón nhận 3.968 căn hộ được chào bán, con số này gấp đôi lượng chào bán trong quý trước cho thấy sự cải thiện về tình hình bán hàng. Tuy nhiên, với 5.600 căn, tổng nguồn cung chào bán trong nửa đầu năm 2021 vẫn thấp hơn 9% so với cùng kỳ năm ngoái do dịch COVID-19 tái bùng phát. Phân khúc trung cấp chiếm 79% lượng nguồn cung chào bán trong Quý 2/2021, phần còn lại đến từ phân khúc hạng sang và cao cấp.
Quý 2/2021, căn hộ bán tương đối tốt so với quý trước, với hơn 80% số căn chào bán trong quý được tiêu thụ. Trong Quý 2/2021, có tổng cộng 4.700 căn được bán, tăng 76% so với quý trước. Số lượng căn bán được tăng Quý 2 nhờ các hoạt động bán hàng sôi nổi trước giai đoạn hạn chế di chuyển để chống dịch. Kênh bán hàng đa dạng (bán hàng trực tuyến kết hợp với tiếp thị trực tiếp thông qua các sự kiện bán hàng, giới hạn số lượng khách trong mỗi phiên, v.v...) và các chính sách bán hàng mới đã làm tăng lượng giao dịch trong quý. Chủ đầu tư tiếp tục tập trung vào nhóm khách hàng trong nước trong nửa đầu năm khi hoạt động bán hàng cho người nước ngoài bị gián đoạn do việc ngừng các chuyến bay quốc tế từ năm ngoái.
Giá bán trung bình trên thị trường sơ cấp tăng ở tất cả các phân khúc, đạt mức 2.260 USD/m2 (Không bao gồm thuế GTGT), tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước. Phân khúc hạng sang và trung cấp ghi nhận mức tăng giá cao lần lượt là 9,2% và 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Mức giá trung bình tăng đáng kể do thiếu nguồn cung tại phân khúc trung cấp và phân khúc hạng sang đón nhận dòng sản phẩm căn hộ có thương hiệu (Branded Residence). Phân khúc cao cấp và bình dân có mức tăng giá nhẹ trong quý khảo sát, lần lượt là 0,4% và 1,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến cuối năm, nguồn cung chào bán của thị trường trong cả năm 2021 sẽ khoảng 17.000 – 18.000 căn. Thị thực vắc xin và tỷ lệ tiêm vắc xin được cải thiện sẽ giúp nhóm khách nước ngoài trở lại thị trường. Tổng số lượng căn bán được tại TP. HCM dự kiến khoảng 15.000 – 17.000 căn do ít nguồn cung và tình hình COVID-19 phức tạp.
Giá chào bán sơ cấp năm 2021 ở các phân khúc sẽ có mức tăng giá trong khoảng từ 1% đến 4% so với năm 2020. Riêng giá căn hộ hạng sang dự kiến tăng 6% trong năm 2021 và 2022 nhờ có các sản phẩm mới là căn hộ hạng sang có thương hiệu (Branded Residence) tại Quận 1.
THỊ TRƯỜNG NHÀ PHỐ VÀ BIỆT THỰ XÂY SẴN
Nguồn cung sơ cấp trong 6T/2021 đạt hơn 770 căn, thấp nhất trong 5 năm qua, giảm 44% theo năm. Lượng giao dịch trong 6T/2021 đạt khoảng 500 căn, giảm 51% theo năm. Nguồn cung sơ cấp Q2 là 570 căn, tăng 21% theo quý nhưng giảm 30% theo năm. Nhà liền kề chiếm 49% thị phần. Nguồn cung mới trong quý đạt 300 căn từ một dự án mới ở Quận 12 và bốn dự án mở bán thêm tại Tp Thủ Đức, Gò Vấp và Tân Phú.
Lượng giao dịch trong quý 2 đạt khoảng 300 căn, tăng 49% theo quý. Tỷ lệ hấp thụ đạt 53%, tăng 10 điểm phần trăm theo quý. Nguồn cung mới có tỷ lệ hấp thụ cao ở mức 75%. Gò Vấp và thành phố Thủ Đức chiếm gần 90% lượng giao dịch trong quý, chủ yếu từ hai dự án là Cityland Park Hills và Vạn Phúc City.
Nguồn cung sơ cấp hạn chế thúc đẩy giá bán trên thị trường thứ cấp tăng. Trong Q2/2021, giá thứ cấp trung bình từ giỏ hàng cố định đã tăng 13% theo năm. Quận 7 có mức tăng cao nhất với 20% theo năm, tiếp theo là các quận 9, Nhà Bè, quận 2, và Gò Vấp, tăng từ 13% đến 19% theo năm.
Nguồn cung tương lai đến 2023 của thị trường nhà liền thổ dự kiến đạt 9.700 căn/ nền. Thành phố Thủ Đức chiếm phần lớn với 32% thị phần, tiếp theo là Bình Chánh chiếm 24%. Giai đoạn 2021-2030, Tp.HCM dự kiến thành lập năm quận từ các huyện ngoại thành: Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ. Các quận/ huyện với quỹ đất trống lớn sẽ trở thành tâm điểm phát triển bất động sản nhà ở trong thời gian tới.
THỊ TRƯỜNG BÁN LẺ (TTTM)
Quý 2/2021, dự án Co.opmart Trường Chinh tại Quận Tân Phú đã mở cửa với 16.000 m2. Sau một vài quý không có nguồn cung mới, tính đến Quý 2/2021, tổng nguồn cung bán lẻ tại TP. HCM đạt 1.068.128 m2. Đợt dịch COVID-19 mới đã khiến tất cả TTTM đóng cửa từ đầu tháng 6, ngoại trừ những ngành hàng thiết yếu như siêu thị, nhà thuốc. Tuy nhiên, chỉ thị này sẽ trở nên khắt khe hơn trong Quý 3/2021, với số lượng ca nhiễm mới tăng nhanh và biến chủng mới rất khó kiểm soát.
Quý 2/2021, tỷ lệ trống của khu ngoài Trung tâm giảm 1,4 đpt so với quý trước. Tính đến Quý 2/2021, tỷ lệ trống tại khu Trung tâm và Ngoài trung tâm lần lượt đạt 1,87% (bằng mức cùng kỳ năm ngoái) và 11,71% (giảm 1,7 đpt so với cùng kỳ năm ngoái). Trong tháng 6/2021, các TTTM đều áp dụng miễn phí thuê và dịch vụ cho các doanh nghiệp đóng cửa; một số chủ nhà còn chủ động giảm 10%-50% giá thuê trong tháng 5, tùy theo ngành hàng, do lượng khách mua sắm giảm mặc dù các cơ sở kinh doanh không phải đóng cửa do chỉ thị.
Tính đến Quý 2/2021, giá chào thuê ở khu vực Trung tâm đạt 137,1 USD/m2/tháng, tăng 1,1% so với quý trước (tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước) và giá chào thuê ở khu vực Ngoài trung tâm đạt 33,9 USD/m2/tháng, giảm 2,3% so với quý trước (giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước).
Các doanh nghiệp lớn tích cực trên thị trường trong quý khảo sát. Ví dụ, Masan đã mua 20% cổ phần từ chuỗi cà phê Phúc Long cho mô hình kết hợp cửa hàng tiện lợi/cà phê/ngân hàng mới của họ. Nova F&B, một nhánh của Nova Group, hợp tác với thương hiệu F&B Mango Tree sau khi đã hợp tác với JUMBO, Crystal Jade Palace, Gloria Jean’s Coffee và các thương hiệu khác. Đây là những động thái chuẩn bị trong thời kỳ dịch bệnh và sẽ mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp lớn một khi nền kinh tế hồi phục lại. Các doanh nghiệp nhỏ, mặt khác, vẫn tiếp tục chờ đợi và cắt giảm các chi phí hoạt động kết hợp chuyển hướng sang mô hình thương mại điện tử, một xu hướng trong tương lai. Theo Euromonitor, doanh số thương mại điện từ tại Việt Nam có thể tăng gấp đôi trong 5 năm tới.
Thị trường dự đoán sẽ có thêm 200.000 m2 diện tích bán lẻ từ đây cho đến 2023, tính cả khu Trung tâm và khu Ngoài trung tâm. Trong ngắn hạn, các ngành nghề như Ăn uống, Chuỗi cà phê, Siêu thị tiện lợi, Sức khỏe và sắc đẹp sẽ tiếp tục được mở rộng, chủ yếu là khối đế bán lẻ tại các dự án chung cư, trước khi thị trường có thêm nhiều nguồn cung TTTM mới. Tâm lý thị trường cho thuê cũng như chỉ số tự tin của người tiêu dùng sẽ được hồi phục nhanh chóng một khi dịch bệnh được kiểm soát cũng như tỷ lệ tiêm phòng toàn quốc được nâng cao.